Thời nhà Trần Nhâm Trung

Khi Vương Lâm lập Tiêu Trang làm Lương đế, lấy Trung làm Ba Lăng thái thú. Sau khi Lâm thất bại, ông về với nhà Trần, nhận chức Minh nghị tướng quân, An Tương thái thú, theo Hầu Thiến thảo phạt Ba, Tương. Sau đó ông dời sang làm Dự Ninh thái thú, Hành Dương nội sử.

Khi Hoa Kiểu dấy binh làm phản, Trung cũng tham dự. Sau khi bình định được Kiểu, Trần Vũ đế lấy việc ông trước đó đã mật báo lên triều đình, tha không hỏi tội.

Năm Thái Kiến đầu tiên (569), Trung theo Chương Chiêu Đạt thảo phạt Âu Dương Hột ở Quảng Châu, nhờ công được phong làm Trực các tướng quân. Ông dời sang làm Vũ nghị tướng quân, Lư Lăng nội sử, mãn nhiệm, về triều nhận chức Hữu quân tướng quân.

Năm Thái Kiến thứ 5 (573), nhà Trần tiến hành bắc phạt, Trung đưa quân ra tây đạo, đánh đuổi Lịch Dương vương Cao Cảnh An nhà Bắc Tề ở Đại Hiện, đuổi đến Đông Quan, chiếm được 2 thành đông, tây. Ông tiếp tục tiến quân, nhổ được 2 thành Kì, Tiếu. Trung thẳng tiến đến Hợp Phì, vào được thành ngoài, sau đó lại chiếm được Hoắc Châu. Ông nhờ công được nhận chức Viên ngoại tán kỵ thường thị, phong làm An Phục huyện hầu, thực ấp 500 hộ. Sau khi quân Trần đại bại ở Lữ Lương, Trung bảo toàn được quân đội của mình trở về. Triều đình ban chiếu cho ông là đô đốc Thọ Dương, Tân Thái, Hoắc Châu và quân đội ven sông Hoài, tiến hiệu làm Ninh viễn tướng quân, Hoắc Châu thứ sử. Sau đó ông về triều nhận chức Tả vệ tướng quân.

Năm Thái Kiến thứ 11 (579), ông được gia chức Bắc thảo tiền quân sự, tiến hiệu làm Bình bắc tướng quân, đưa quân đội bộ kỵ đến gấp Tần quận. Năm thứ 12, Trung dời sang làm Sứ trì tiết, đô đốc Nam Dự Châu chư quân sự, Bình nam tướng quân, Nam Dự Châu thứ sử, tăng thực ấp so với trước là 1500 hộ. Ông đưa quân đến gấp Lịch Dương, nhà Bắc Chu phái Vương Duyên Quý đưa quân đến tăng viện. Trung đại phá quân Chu, bắt sống Duyên Quý. Trần Hậu Chủ lên ngôi, tiến hiệu cho ông làm Trấn nam tướng quân, ban cho 1 bộ Cổ Xuy. Ông về triều làm Lĩnh quân tướng quân, gia chức Thị Trung, đổi phong hiệu là Lương Tín quận công, thực ấp 3000 hộ. Sau đó ông ra làm Ngô Hưng nội sử, tăng bổng lộc lên 2000 thạch.